Các trường khác nhau có chính sách khác nhau. Ở nơi mình công tác, có khái niệm "effort". Mỗi giáo sư (và nhân viên nói chung) ở trường có 100% effort. Nếu giáo sư X chỉ làm ở trường, thì 100% effort là ở trường, và trường trả 100% lương. Giáo sư X có thể chọn dành 10% effort để làm consulting (tư vấn) cho một (hoặc nhiều) công ty nào đó, và 90% effort cho trường, thì trường sẽ trả 90% lương. 10% lương kia trường không quan tâm là bao nhiêu. Trường/khoa sẽ tự điều chỉnh mức độ công việc của giáo sư X để thỏa mãn 90% effort (cụ thể thế nào thì rất phức tạp). Giáo sư X có thể chọn dành 90% làm cho một hoặc nhiều công ty, và 10% làm ở trường. Trường trả lương 10% và thời gian giáo sư X làm tại trường đương nhiên sẽ giảm 90%, ví dụ như không phải dạy chẳng hạn. Giáo sư với trường sẽ thỏa thuận với nhau về effort thế nào, trong thời hạn bao lâu, và các điều khoản liên quan. "Và cty với trường đại học cũng đồng ý ạ?" Đương nhiên, vì như vậy là win-win-win cho cả 3 bên: các công ty được tư vấn từ chuyên gia trình độ cao, giáo sư được lương cao hơn (vì công ty thường trả nhiều hơn trường vài lần), và trường cũng có quan hệ với công ty (sinh viên tốt nghiệp dễ xin việc hơn chẳng hạn). Ngoài ra, các giáo sư được các công ty săn đón thường là chuyên gia đẳng cấp, do đó, thuê họ (mà chỉ phải trả 10% lương chẳng hạn) sẽ mang danh tiếng về cho trường, thu hút được sinh viên vào học, và trường cũng thu được lợi ích từ các mặt khác. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng là win-win-win cho cả 3 bên, nhưng đa phần các trường hợp như trên thì như vậy. Do đó, câu hỏi đúng hơn là "tại sao họ lại không đồng ý?"